Huyền thoại Panasonic: Lịch sử hình thành và phát triển

Lịch Sử Phát Triển Của Tập đoàn Panasonic

Panasonic là hãng điện tử nổi tiếng của Nhật Bản. Từ lâu hãng đã rất quen thuộc với người Việt Nam nhờ những sản phẩm điện gia dụng chất lượng cao (điều hòa Panasonictủ lạnh Panasonicmáy giặt Panasonic,…) và nhiều sản phẩm kỹ thuật số khác.

Nếu bạn tò mò về quá trình vươn lên mạnh mẽ của hãng Panasonic, hay đặc biệt thích thú với cách quản lí của ngài chủ tịch Matsushita thì hãy cùng chúng tôi khám phá hết qua bài viết sau đây.

Lịch sử hình thành và phát triển của hãng Panasonic

Những ngày đầu khởi nghiệp

chân dung Konosuke Matsushita thời trẻ

Konosuke Matsushita (松下 幸之助 – Matsushita Kōnosuke, 27/11/1894 – 27/4/1989) là  người sáng lập ra hãng Matsushita Electric. Ông sinh năm 1894 tại làng nông nghiệp Wasa, tỉnh Wakayama, là con của một địa chủ. 

Quyết định đầu tư sai lầm của người cha vào đầu cơ lúa gạo đã khiến tài chính gia đình khánh kiệt. Cha mẹ ông đều qua đời khi ông còn rất nhỏ, tới năm 9 tuổi ông đã phải bắt đầu làm công việc vặt cho một cửa hàng xe đạp. Năm 1910, ở tuổi 16, Matsushita được nhận vào làm trợ lý nối dây tại Công ty Đèn điện Osaka. 

Năm 1918, ở tuổi 23, ông rời bỏ công việc thanh tra của Công ty đèn điện Osaka và thành lập Nhà máy thiết bị điện Matsushita để sản xuất và tiếp thị ổ cắm hai tầng do ông phát minh. Ba nhân viên đầu tiên của ông là chính ông, vợ ông – bà Mumeno và anh trai của Mumeno – Toshio Iue. Công ty gần như phá sản, nhưng đã gượng dậy được nhờ có đơn đặt hàng lớn về linh kiện quạt điện. Matsushita đã dùng lợi nhuận để tiếp tục mở rộng sản xuất và giảm giá sản phẩm, biến chiếc đèn của mình thành loại hàng tiêu dùng phổ thông.

Nhận ra không có loại đèn nào tối ưu cho hàng triệu chiếc xe đạp ở Nhật Bản, Matsushita đã thiết kế một chiếc vào năm 1923. Dù không thành công ngay lập tức nhưng mẫu đèn bullet của ông đã trở thành tiêu chuẩn công nghiệp, đến nỗi nhiều người thậm chí còn mua chúng để thay thế đèn dầu truyền thống.

đèn xe đạp do Matsushita phát minh

 Năm 1927, Matsushita sử dụng nhãn hiệu “National” cho dòng đèn xe đạp của mình. Ông chọn quảng cáo sản phẩm của mình trên các tờ báo quốc gia – một cách tiếp thị rất khác người ở Nhật Bản vào những năm 1920.

Năm 1931, hãng Matsushita Electric bắt đầu sản xuất đài vô tuyến – radio. Mẫu đài  Matsushita đầu tiên đã giành giải nhất trong cuộc thi phát thanh của Đài phát thanh truyền hình Tokyo. Năm 1932, Matsushita mua một số bằng sáng chế quan trọng cho việc sản xuất đài, nhưng ông còn tiết lộ cách thức sáng chế cho các nhà sản xuất radio khác của Nhật vì muốn giúp phát triển ngành công nghiệp điện tử của Nhật Bản. Sau đó công ty mở rộng sản xuất cả động cơ điện và quạt điện.

Năm 1933, công ty áp dụng hệ thống phân chia doanh nghiệp và chuyển cơ sở sản xuất đến một nhà máy quy mô lớn tại Kadoma, Osaka. Công ty Công nghiệp Điện Matsushita (Matsushita Denki Sangyō Kabushiki-gaisha, TYO: 6752, NYSE:  MC ) được tái cơ cấu vào năm 1935 và thành lập một công ty chi nhánh khác là Matsushita Electric Works.

Năm 1941, Matsushita bắt đầu sản xuất thuyền gỗ và máy bay gỗ cho quân đội. Cho đến cuối Thế chiến thứ hai, các nhà máy ở Nhật Bản và Châu Á đã sản xuất các linh kiện và thiết bị điện như đèn chiếu sáng, động cơ và bàn là điện.

Hậu thế chiến 2

Năm 1946, Matsushita bị lực lượng Đồng minh chia tách thành MEI và MEW. Matsushita thì có nguy cơ bị cách chức chủ tịch, nhưng đã được cứu nhờ một bản kiến ​​nghị có chữ ký của 15.000 nhân viên của hãng. 

Matsushita thuyết phục tướng Douglas MacArthur và các cơ quan khác của lực lượng Đồng minh cho phép hãng tiếp tục sản xuất đồ điện gia dụng, và hứa với họ rằng Nhật Bản sẽ trở thành nước dẫn đầu thế giới về đồ điện tử. Phe Đồng minh thấy rằng chiến lược này sẽ giúp Nhật Bản phục hồi nhanh chóng sau chiến tranh, nên đã cho phép công ty của Matsushita hoạt động trở lại.

Năm 1947, Konosuke cho người anh rể Toshio mượn một nhà máy sản xuất chưa sử dụng để sản xuất đèn xe đạp; doanh nghiệp này phát triển thành hãng Sanyo Electric và là đối thủ cạnh tranh của Matsushita.

Đến những năm 1950, hãng Matsushita đứng đầu thị phần máy giặt, tủ lạnh và tivi ở  Nhật Bản. Từ năm 1950 đến năm 1973, công ty của Matsushita đã trở thành một trong những nhà sản xuất hàng điện lớn nhất thế giới. Các thiết bị điện, chip máy tính và máy quay phim được bán dưới các nhãn hiệu nổi tiếng là Panasonic, Quasar, National và Technics. Năm 1952, hãng đưa ra thị trường chiếc tivi đen trắng đầu tiên.

Đến năm 1959, Matsushita đã thành lập Công ty Điện lực Kyushu Matsushita, Công ty Máy móc Chính xác Osaka (sau đổi tên thành Matsushita Seiko), Tập đoàn Công nghiệp Truyền thông Matsushita (sản xuất máy ghi âm đầu tiên) và Tập đoàn Điện lực Matsushita của Mỹ. Công ty tung ra thị trường tivi màu đầu tiên vào năm 1960.

Konosuke Matsushita nghỉ hưu năm 1973. Khi nghỉ hưu, ông tập trung phát triển và giải thích các triết lý xã hội và thương mại của mình, đồng thời xuất bản 44 cuốn sách. Một trong số đó, có tựa đề “Kiến tạo đường đến hòa bình và hạnh phúc thông qua phát đạt” đã bán được hơn 4 triệu bản (Developing a Road to Peace and Happiness Through Prosperity).

Matsushita qua đời tại Osaka vào ngày 27 tháng 4 năm 1989, ở tuổi 94. Khi ông qua đời, tài sản cá nhân của ông trị giá 3 tỷ USD, còn hãng Matsushita mang lại doanh thu mỗi năm là 42 tỷ USD.

Các mốc thời thời gian quan trọng

sự biến đổi của logo hãng Panasonic - Matsushita từ 1918 tới nay

  • 1952: Matsushita Electric được thành lập, có liên doanh với hãng Philips Electronics của Hà Lan. 
  • 1954: Matsushita Electric mua lại nhiều cổ phần từ nhà sản xuất thiết bị điện tử JVC (Công ty Victor của Nhật Bản) để tạo một liên minh. Ngày nay Panasonic vẫn giữ được 50% cổ phần.
  • 1957: Matsushita thành lập hệ thống National Shop, một mạng lưới bán hàng dành riêng cho thương hiệu National.
  • 1961: Konosuke Matsushita tới Hoa Kỳ và gặp gỡ các đại lý Mỹ. Matsushita bắt đầu sản xuất tivi cho thị trường Mỹ dưới thương hiệu Panasonic và mở rộng việc sử dụng thương hiệu này sang châu Âu vào năm 1979. Công ty đã sử dụng nhãn hiệu National  bên ngoài Bắc Mỹ trong suốt những năm 1950 đến những năm 1970.
  • 1965: Matsushita ra mắt loa hi-fi tại Nhật Bản với thương hiệu Technics. Dòng linh kiện âm thanh nổi chất lượng cao này mau chóng được yêu thích trên toàn thế giới. Sản phẩm nổi tiếng nhất vẫn được sản xuất cho đến ngày nay là máy ghi âm SL-1200, được biết đến nhờ hiệu năng, độ chính xác và độ bền cao.
  • 1965: Bắt đầu thực hiện quy định cho công nhân nghỉ hai ngày mỗi tuần. Áp dụng hệ thống bán hàng mới giúp giảm số lượng kênh tham gia vào quá trình bán hàng.
  • 1977: Bắt đầu bán video VHS.
  • 1983: Ra mắt máy tính gia đình Panasonic JR-200.
  • 1986: Bắt đầu sử dụng Panasonic làm thương hiệu tại Nhật Bản.
  • 1989: Ngày 1 tháng 8, bắt đầu cải cách quy mô lớn các bộ phận công nghệ.
  • 1990: Toàn bộ sản phẩm điện tử gia dụng tại Nhật Bản được chuyển từ thương hiệu National sang Panasonic.
  • 1993: Panasonic tham gia cạnh tranh ở thị trường trò chơi điện tử với chiếc máy 3DO Interactive Multiplayer. Tuy nhiên, máy PlayStation của Sony quá mạnh nên 3DO không thể cạnh tranh lại, bị dừng hoạt động vào cuối năm 1995.
  • 1993: Hủy bỏ thỏa thuận liên doanh với hãng Philips và thay đổi hợp đồng thành độc quyền.
  • 1994: Thành lập liên doanh Panasonic Shun Hing Industrial Sales (Hong Kong) Co., Ltd và Panasonic SH Industrial Sales (Shenzen) Co., Ltd tại Trung Quốc với Shun Hing Electric Works (Hong Kong). Thương hiệu Rasonic của Shun Hing trở thành công ty con của Panasonic.
  • 1997: Chính sách hợp nhất tập đoàn được thực thị để giảm số lượng công ty con.
  • 2002: Sản phẩm Technics bán ở Mỹ và Châu Âu được đổi tên thành Panasonic.
  • 2003: Giới thiệu thương hiệu và khẩu hiệu toàn cầu “Panasonic. Ideas for life.”
  • 2004: Matsushita bắt đầu dùng Panasonic làm thương hiệu toàn cầu của mình.
  • 2006: Công bố quyết định ngừng sản xuất TV analog (chiếm 30% tổng sản lượng kinh doanh TV) để tập trung vào TV kỹ thuật số.
  • 2008 Matsushita công bố ý định đổi tên công ty thành Tập đoàn Panasonic, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2008.
  • 2008: Đầu năm 2008, Panasonic hợp tác với Shopatron để xử lý việc thực hiện đơn hàng trực tuyến, kết hợp các nhà bán lẻ vào hoạt động bán hàng trực tuyến.

Phong cách quản lý Matsushita

Tượng Konosuke Matsushita tại bảo tàng Panasonic
Tượng Konosuke Matsushita tại bảo tàng Panasonic

Mặc dù tương đối xa lạ ở bên ngoài đất nước của mình, nhưng ở Nhật Bản thì Konosuke Matsushita được coi là một trong những hình mẫu truyền cảm hứng nhất mọi thời đại.

Chỉ với 4 năm học, không có kinh nghiệm kinh doanh thực tế và chỉ có 100 yên trong túi, ông đã tạo nên công ty sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất Nhật Bản với doanh thu năm 2007 là 63 tỷ USD.

Công ty là một gia đình lớn

Triết lý kinh doanh của ông đã góp phần tạo nên kỳ tích phát triển của Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai. Matsushita, đôi khi được gọi ở Nhật Bản là “vị thần quản lý”, đã đi tiên phong trong truyền thống “quản lý kiểu cha” của Nhật Bản, trong đó nhân viên công ty được coi như một phần của “gia đình” và được đảm bảo làm việc suốt đời. 

Trong cuộc Đại suy thoái những năm 1930, khi doanh số bán hàng điện tử tiêu dùng giảm mạnh, Matsushita từ chối sa thải nhân viên như các công ty khác đang làm. Ông cắt giảm một nửa lịch trình sản xuất, trong khi vẫn tiếp tục trả lương đầy đủ cho nhân viên của mình, chuyển công nhân nhà máy sang các vị trí bán hàng và tranh thủ sự giúp đỡ của họ để bán hàng hóa tồn đọng trong kho của công ty. Năm 1965, Matsushita khởi xướng chế độ làm việc 5 ngày một tuần cho nhân viên của mình, một điều hiếm thấy ở Nhật Bản vào thời điểm đó.

Konosuke Matsushita quyết không sa thải công nhân vì đại suy thoái kinh tế những năm 1950

Chiến lược tiếp thị và cạnh tranh độc đáo

Matsushita cũng đi tiên phong trong cách tiếp thị sáng tạo, bao gồm sử dụng quảng cáo trên báo vào những năm 1920 và thành lập chuỗi cửa hàng thương hiệu “National” để bán độc quyền các sản phẩm của Matsushita. 

Ngay từ chiếc phích cắm điện đầu tiên, ông đã biết mọi người sẽ chọn mua ngay một sản phẩm khi thấy nó có chất lượng tốt hơn và giá thành thấp hơn các sản phẩm đối thủ. Bằng cách bán đồ với mức lợi nhuận thấp hơn, sản phẩm của ông chiếm được thị phần lớn trong ngành.

Quy tắc của ông là sản phẩm mới phải tốt hơn 30% và rẻ hơn 30% so với sản phẩm đã có trên thị trường. Đến năm 1922, cty đều đặn giới thiệu sản phẩm mới định kỳ mỗi tháng.

Matsushita cũng phát hiện ra tầm quan trọng của dịch vụ sau bán hàng trong việc xây dựng cơ sở khách hàng trung thành, và dạy nhân viên của mình đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu.

Chuyên môn hóa cao độ

Năm 1933, Matsushita là công ty Nhật Bản đầu tiên tự cơ cấu thành “các bộ phận doanh nghiệp”, mỗi bộ phận chịu trách nhiệm riêng về sản xuất và tiếp thị một loại sản phẩm cụ thể. 

Cấu trúc này cho phép công ty phản ứng nhanh chóng với những thay đổi trên thị trường và theo kịp các công nghệ mới. Nó cũng cho phép mỗi “bộ phận” phát triển các chiến lược tiếp thị độc đáo.

Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của giới doanh nhân

Matsushita phổ biến khái niệm “hòa bình thông qua giàu có”, ý tưởng là sự giàu có được tạo ra bởi các doanh nghiệp thành công có thể thay đổi chính phủ và tăng cường phúc lợi cho toàn xã hội. Một tấm bia đá bên ngoài trụ sở chính của công ty Matsushita viết: “Nhận thức được trách nhiệm của mình với tư cách là những nhà công nghiệp, chúng tôi sẽ cống hiến hết mình cho sự tiến bộ và phát triển của xã hội cũng như hạnh phúc của mọi người thông qua các hoạt động kinh doanh của mình, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới.”

Sở hữu tiện nghi vật chất không có cách nào đảm bảo hạnh phúc. Chỉ có sự giàu có về tinh thần mới có thể mang lại hạnh phúc đích thực. Nếu điều đó đúng, liệu doanh nghiệp có nên chỉ quan tâm đến nhu cầu vật chất của cuộc sống và để việc chăm sóc tinh thần con người cho tôn giáo hay đạo đức? 
Tôi không nghĩ vậy. Các doanh nhân cũng có thể góp phần tạo ra một xã hội giàu có về tinh thần và giàu có về vật chất (Konsuke Matsushita).

Chứng kiến ​​sự khủng khiếp của Thế chiến thứ hai, Matsushita lo ngại rằng hệ thống chính trị Nhật Bản đang duy trì những truyền thống hẹp hòi và thậm chí nguy hiểm. Năm 1980, Matsushita mở Học viện Chính phủ và Quản lý Matsushita (MIGM) tại Thành phố Chigasaki. Kế hoạch của Matsushita là đào tạo một thế hệ chính trị gia Nhật Bản mới bằng cách nhấn mạnh tầm nhìn, tính chính trực, quan điểm toàn cầu và phân tích chính sách hợp lý, với hy vọng rằng sau đó họ có thể thay đổi văn hóa chính trị của Nhật Bản.

Trong cuộc bầu cử tháng 7 năm 1993 tại Nhật Bản, 15 trong số 130 sinh viên tốt nghiệp của trường đã được bầu vào cơ quan lập pháp quốc gia, đánh bại những người đương nhiệm của LDP (Đảng Dân chủ Tự do), đảng đã nắm quyền ngay sau Thế chiến thứ hai.

Điện máy

Ms. Hương: 0982.069.704

Mr. Tuấn: 0965.790.100

Chat messenger
Chat Zalo