Làm thế nào để di chuyển tủ lạnh đúng cách mà không bị ảnh hưởng đến các linh kiện bên trong. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách di chuyển tủ lạnh đang sử dụng đến vị trí khác trong nhà hoặc đi xa.
Một số lưu ý trước khi vận chuyển:
- Khi vận chuyển đường xa, hãy đặt tủ lạnh thẳng đứng thay vì nằm ngang.
- Trang bị tấm chắn xung quanh tủ lạnh để bảo vệ các ống mao và phần bên ngoài để tránh bị va đập.
- Đối với tủ lạnh cũ chờ khoảng 3 tiếng rồi mới cắm điện và 6 đến 24 tiếng đối với tủ lạnh mới.
- Di chuyển và vận chuyển tủ lạnh cần ít nhất 2 người để đảm bảo an toàn cho tủ lạnh.
- Chắc chắn đóng chặt và cố định cửa tủ lạnh trước khi di chuyển.
- Sử dụng miếng vải hoặc màng thực phẩm, hoặc thùng carton để bảo vệ bề mặt tủ khỏi vết xước .
Dưới đây là các bước thực hiện.
Mục lục
- Bước 1: Rút nguồn điện tủ lạnh
- Bước 2: Lấy hết thực phẩm ra ngoài
- Bước 3: Tháo rời các ngăn, khay, kệ
- Bước 4: Xả băng và làm khô tủ
- Bước 5: Cố định cửa tủ
- Bước 6: Di chuyển đến vị trí khác trong nhà
- Bước 7: Đặt tủ lên xe máy/xe tải (Đi đường xa)
- Bước 8: Chở tủ lạnh đến vị trí mới
- Bước 9: Đặt tủ vào vị trí mới và sử dụng
Bước 1: Rút nguồn điện tủ lạnh
Rút phích cắm tủ lạnh đảm bảo không có nguồn điện vào tủ, giúp tránh các tai nạn và đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi di chuyển.
Ngoài ra, sau khi rút phích cắm, hãy cuộn hoặc buộc lại thật gọn gàng để không làm cản trở trong quá trình vận chuyển tủ lạnh, nhất là khi cần chuyển tủ lạnh lên tầng cao
Bước 2: Lấy hết thực phẩm ra ngoài
Khi lấy ra hết thực phẩm trong tủ lạnh trước khi di chuyển hoặc thực hiện bảo dưỡng, bạn sẽ đảm bảo được rằng không có món nào bị hư hỏng, vỡ hoặc bị nhiễm khuẩn trong quá trình xử lý. Điều này đặc biệt quan trọng khi di chuyển tủ lạnh, để tránh rủi ro làm tổn thất thực phẩm và gây ô nhiễm cho các mặt hàng khác.
Bước 3: Tháo rời các ngăn, khay, kệ
Khay kệ trong tủ lạnh có thể làm bằng kính, nhựa hoặc kim loại mỏng. Khi di chuyển tủ lạnh, việc giữ các khay kệ bên trong tủ có thể gây va đập hoặc biến dạng. Tháo rời các khay kệ và đặt chúng bên ngoài giúp đảm bảo an toàn cho khay kệ và tránh rủi ro bị vỡ hoặc hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Bước 4: Xả băng và làm khô tủ
Khi di chuyển tủ lạnh, nước trong tủ có thể rò rỉ hoặc dội ngược lại vào các bộ phận điện hoặc linh kiện khác. Điều này có thể gây nguy hiểm và gây hỏng hóc tủ lạnh. Bằng cách xả băng và làm khô tủ, bạn có thể loại bỏ nước dư thừa và giảm nguy cơ rò rỉ nước trong quá trình di chuyển.
Bước 5: Cố định cửa tủ
Khi bên trong tủ lạnh đã được dọn dẹp và hoàn toàn khô ráo, hãy dùng một sợi dây lớn và chắc chắn để buộc chặt cửa tủ lạnh. Việc này nhằm tránh cửa tủ có thể bị bung ra, hư hỏng trong lúc di chuyển. Tuy nhiên, đừng buộc các cánh cửa tủ quá chặt bởi sẽ khiến bạn gặp khó khăn khi mở ra.
Ngoài ra bạn cũng cần chú ý dùng dây cao su, dây thừng để cố định block (máy nén) với tủ lạnh. Phía trong tủ lạnh còn có những ống mao rất nhỏ, bạn cần bọc bảo vệ kỹ để tránh làm hỏng hóc, gãy khi va chạm, rơi vỡ. Bên cạnh đó, để hạn chế tủ bị trầy xước làm giảm vẻ đẹp bên ngoài thì hãy bọc tủ lạnh bằng túi ni lông to hoặc thùng các tông.
Bước 6: Di chuyển đến vị trí khác trong nhà
Đảm bảo vị trí mới có đủ không gian cho tủ lạnh và có thể cắm điện dễ dàng. Dọn dẹp khu vực xung quanh vị trí mới để có đủ không gian để di chuyển tủ lạnh.
Sử dụng xe đẩy hoặc phương tiện hỗ trợ khác để di chuyển tủ lạnh đến vị trí mới. Sau khi di chuyển tủ lạnh đến vị trí mới, hãy cắm điện tủ lạnh và đợi tủ lạnh ổn định trước khi cho thực phẩm vào.
Như vậy là bạn đã hoàn thành xong các bước di chuyển tủ lạnh đến vị trí khác trong nhà. Nếu muốn di chuyển tủ lạnh đi đường xa bạn có thể đọc tiếp từ bước 7.
Bước 7: Đặt tủ lên xe máy/xe tải (Đi đường xa)
Dùng một tấm nối để tạo đoạn đường dốc để việc di chuyển tủ lạnh lên xe tải dễ dàng hơn. Nếu không có, bạn sẽ cần vài người để nâng nó lên. Bạn đặt tủ lạnh cố định theo chiều thẳng đứng, không để máy nằm nghiêng để giảm thiểu sự tác động đến khí gas bên trong máy nén và ống dẫn gas. Nên để tủ lạnh gần buồng lái của xe tải nhất.
Với các loại tủ lạnh nhỏ gọn, bạn có thể vận chuyển bằng xe máy.
Bước 8: Chở tủ lạnh đến vị trí mới
Khi bạn vận chuyển bằng xe máy, thì nên đặt tủ lạnh ở vị trí đứng, để giảm thiểu sự tác động đến khí gas bên trong máy nén và ống dẫn gas.
Cố định tủ lạnh lên xe máy bằng các loại dây chuyên dụng. Chú ý kiểm tra kỹ các nút thắt và vị trí đặt dây. Nên sử dụng baga xe máy để việc cố định tủ lên xe máy được hiệu quả nhất.
Lựa chọn tuyến đường đi ngắn, bằng phẳng, ít các phương tiện giao thông qua lại và tránh các giờ cao điểm. Hơn nữa, cần kiểm soát được tốc độ chạy xe và chú ý đến các góc cạnh của tủ lạnh vì có thể va chạm với xe khác trong quá trình chạy xe.
Bước 9: Đặt tủ vào vị trí mới và sử dụng
Dỡ tủ lạnh xuống khỏi xe máy nhẹ nhàng và cẩn thận. Nên tìm kiếm sự giúp đỡ của nhiều người để tránh sự cố, hư hỏng đáng tiếc. Di chuyển tủ lạnh đến vị trí mới, để tủ lạnh ổn định trong khoảng từ 3 đến 5 tiếng.
Tháo các dây ràng, băng dính cố định các phần tủ lạnh, cắm điện và sử dụng.